Thị trường bất động sản dưới tác động của đại dịch Covid-19
Từ đầu năm 2020 đến nay, hầu khắp các nước trên thế giới đều phải trải qua đại dịch Covid-19. Tại Việt Nam, tuy Chính phủ và các địa phương đã kiểm soát tốt dịch bệnh nhưng nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, trong đó có hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản vẫn chịu nhiều ảnh hưởng.
Dưới tác động của đại dịch, hoạt động vận tải, du lịch, dịch vụ… là những lĩnh vực lập tức bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản chịu sự tác động sau và mới chỉ có sự ảnh hưởng tới một số phân khúc và yếu tố của thị trường. Riêng bất động sản du lịch – nghỉ dưỡng là loại hình sớm chịu nhiều ảnh hưởng và bị ảnh hưởng nặng nề.
Đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ nhất diễn ra trên diện rộng nhưng đến nửa cuối quý 2, Chính phủ và các địa phương đã tích cực chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp và đã kiểm soát tốt, đồng thời có những chính sách thúc đẩy để vực dậy nền kinh tế. Sau khi nới lỏng và gỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội, các hoạt động kinh tế xã hội dần được khôi phục. Doanh nghiệp bất động sản cũng nhanh chóng thích ứng, bám sát chính sách hỗ trợ của Chính phủ, từng bước hoạt động trở lại.
Trong đầu Q3-2020, dịch bệnh Covid-19 có dấu hiệu bùng phát trở lại nhưng chỉ tác động cục bộ tại một số khu vực, đặc biệt là Đà Nẵng và đã sớm được khoanh vùng, kiểm soát. Đợt dịch này diễn ra trong thời ngắn, tác động không nhiều đến các hoạt động đầu tư kinh doanh nói chung và thị trường bất động sản nói riêng. Tuy nhiên, cũng tạo ra tâm lý thận trọng, làm chậm lại đà phục hồi và phát triển của thị trường bất động sản.
Song có thể thấy, dù dịch bệnh, lĩnh vực nhà ở và thị trường bất động sản cả nước vẫn ghi nhận những điểm tích cực và các chỉ số đáng kể. Nhìn chung, hoạt động kinh doanh bất động sản đã có tiến triển tốt hơn, sôi động hơn và có những tín hiệu lạc quan, tích cực. Từ cuối năm 2020 qua Q1-2021, thị trường bất động sản đã cho thấy những dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ, hoạt động kinh doanh bất động sản đã có tiến triển tốt hơn, sôi động hơn và có những tín hiệu lạc quan, tích cực.
Ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng
Nhận định diễn biến thị trường bất động sản 2021
Mặc dù trải qua 3 làn sóng Covid-19, nhưng trên cơ sở đánh giá các yếu tố vĩ mô cũng như các chỉ số cụ thể của thị trường cho thấy, thị trường bất động sản đang dần phục hồi và phát triển. Nhu cầu về nhà ở, trong đó có nhà ở giá rẻ… vẫn rất lớn. Đặc biệt trong thời gian tới, bất động sản công nghiệp vẫn có thể coi là điểm sáng của thị trường bởi nhiều nguyên do như: một số hiệp định thương mại tự do có hiệu lực; kế hoạch rời Trung Quốc của nhiều tập đoàn đa quốc gia và điểm đến là Việt Nam; việc kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao cũng là lực kéo quan trọng để thu hút nhiều hơn nguồn vốn ngoại vào Việt Nam…
Ngoài ra, một số giải pháp, cơ chế, chính sách về nhà ở và thị trường bất động sản được đề ra và ban hành từ 2020 đã hoặc bắt đầu có hiệu lực từ 2021, gồm: Luật Đầu tư sửa đổi 2020, Luật Xây dựng sửa đổi 2020, Nghị định 25/2020/NĐ-CP, Nghị định sửa đổi một số điều của các nghị định thi hành Luật Đất đai…
Cùng với đó là hàng loạt nghị định do Bộ Xây dựng nghiên cứu trình Chính phủ như: Nghị định về quản lý đầu tư xây dựng, Nghị định quản lý chất lượng công trình xây dựng… để hướng dẫn thi hành Luật Xây dựng sửa đổi 2020, sửa đổi nghị định 99/2015/NĐCP, Nghị định 100… sẽ góp phần giải quyết những vướng mắc tồn đọng đối với các dự án từ năm 2019 trở về trước, từ đó thúc đẩy sự phát triển lành mạnh cũng như làm sôi động thị trường bất động sản thời gian tới.
(Lược trích trả lời phỏng vấn báo chí của ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng).
Thanh Tong